9 nguyên tắc vàng trong thuật đối nhân xử thế
Người đăng: Ngày đăng: Lượt xem:
-
Phan Ngọc Tuấn (Sưu tầm)
1. Lắng nghe người khác. Khuyến khích người khác nói về họ.
Tạo ra sự kết nối chính là chìa khóa dẫn đến thành công với các phương tiện truyền thông đại chúng, đặc biệt là trên các mạng xã hội. Một trang Facebook mà ở đó doanh nghiệp chỉ nói về bản thân mình sẽ không thu hút được sự chú ý của mọi người. Trong thế giới Internet, bạn lắng nghe bằng cách đặt câu hỏi. Khi bạn hỏi, bạn dễ thu hút sự tham gia từ họ hơn, vì mọi người ai cũng đều thích được lắng nghe. Và khi họ bắt đầu bình luận, trang fan page của bạn sẽ được lan truyền rộng rãi, mạnh mẽ hơn.
2. Nói về điều mà người khác quan tâm.
Tôi thường được hỏi là “Tôi nên ghi gì lên các trang thông tin cá nhân trên mạng xã hội?”. Câu trả lời của tôi luôn như nhau. Bất cứ điều gì khán giả của bạn cho là có giá trị. Giá trị có thể nằm ở một bài báo gợi sự tò mò, một câu hỏi kích thích tư duy, một trích dẫn có khả năng tạo cảm hứng, một đoạn video hài hước, v.v… Khi họ càng cảm thấy thích thú, họ càng tham gia nhiều hơn vào cuộc chia sẻ, trò chuyện.
3. Mỉm cười.
Làm thế nào để cười trên máy tính? Sử dụng một biểu tượng như “:)”? Không dễ như vậy đâu. Điều ông Carnegie muốn nói là một nụ cười giúp mọi người cảm thấy ấm áp hơn. Và khi viết một nội dung lên mạng, một nụ cười biểu hiện ở một thái độ lạc quan, tích cực. Trong thế giới của các phương tiện truyền thông xã hội, điều này có thể ở dạng một sự ủng hộ (Endorsement) trên mạng LinkedIn, một “Like” trên Facebook hay là một lần Re – Tweet (nhắc lại điều người khác nói) trên Twitter.
4. Khơi gợi ở người khác ý muốn thực hiện điều mình đề nghị họ làm.
Hầu hết mọi người đều nhận thấy rằng nếu bạn bán sản phẩm hay dịch vụ một cách “quá tích cực” trên các trang mạng xã hội, mọi người sẽ bỏ chạy như thể đang có một đám cháy ở mức báo động cấp 3 vậy. Vậy bạn hãy tránh làm điều đó. Thay vào đó, hãy tìm ra cách khiến mọi người “muốn” biết thêm về các sản phẩm hay dịch vụ của bạn. Ví dụ, bạn có thể cung cấp một bản xem trước miễn phí về khóa học của Dale Carnegie hoặc một buổi hội thảo chi phí thấp có khả năng được các khách hàng tiềm năng quan tâm và thích thú. Bằng cách giữ rủi ro ở mức thấp, bạn sẽ khơi dậy thành công nhu cầu nơi khách hàng và tìm ra một phương pháp sáng tạo để thuyết phục họ tham gia tiếp vào quá trình bán hàng.
5. Luôn nhớ rằng tên một người luôn là âm thanh êm đềm, ngọt ngào và quan trọng nhất đối với họ.
Nếu bạn đã sử dụng trang Twitter, bạn rất có thể đã thấy từ “RT” ở nhiều bài đăng khác nhau. Ký tự này là viết tắt của “Re – tweet”, và có nghĩa là bạn đang nhắc lại điều mà người khác đã nói trước đó. Cách để làm điều này là thêm chức danh (hoặc tên) Twitter của người đó vào thông điệp. Việc này thể hiện sự công nhận của bạn đối với bài viết nguyên gốc được bạn xem là một bài đăng có giá trị. Khi bạn làm điều này, người đó cảm thấy họ quan trọng và họ cũng sẽ có thể đăng lại một thông điệp nào đó của bạn về sau. Khi họ làm điều này, trang Twitter của bạn sẽ được xử lý liên kết và vì thế bất cứ ai có thể đọc được thông điệp của họ cũng có thể dễ dàng nhấp vào tên bạn và kết nối với bạn.Vậy Carnegie có thành công trên Twitter hay không? À, ông có thể sẽ sử dụng tên của một người nào đó trong mọi thông điệp mà ông viết, và nhờ vậy sẽ có hàng ngàn người hài lòng với ông và sẵn sàng đáp lại. Và đó chính là chiến lược thành công trên Twitter.
6. Cách giải quyết tranh cãi tốt nhất là đừng để nó xảy ra.
Điều này liên quan đến những lời phê bình tiêu cực trên các mạng. Ngày nay khi người ta có thể dễ dàng trút sự thất vọng của mình sau màn hình máy tính, những lời khó chịu này dường như xuất hiện thường xuyên hơn và gây tổn thương nhiều hơn. Vì vậy khi phải đối mặt với những lời chỉ trích trên web, nếu có thể, tốt nhất là nên tránh xa chúng, hoặc là giả vờ như không để ý. Khi biện hộ cho chính mình bạn chỉ đổ thêm dầu vào lửa và chẳng khác gì bạn đã công nhận những người chỉ trích đó cũng như nội dung mà họ đã viết. Hãy cố gắng để khắc phục tình hình hoặc tốt nhất là nên lờ nó đi và tiếp tục làm việc tốt với các khách hàng trung thành của mình để nhận được các bài nhận xét tích cực.
7. Thách đố, khơi gợi sự thử thách ở người khác.
Chẳng có gì là vui vẻ khi bạn có một trang blog nhưng không ai đọc. Sẽ còn buồn và thất vọng hơn nếu có một trang facebook cho doanh nghiệp nhưng không có kết nối nào. Vì vậy, chúng ta cần phải chủ động trong việc kết nối với mọi người trên mạng xã hội. Ông Carnegie đã đúng khi nói cách hiệu quả nhất để làm mọi người hứng thú về việc kết nối với bạn là đưa ra một thách thức. Ví dụ, gần đây chúng tôi đã tổ chức một cuộc thi với các tổ chức nhượng quyền của Dale Carnegie. Mỗi tổ chức nhượng quyền sẽ quyên tặng 100 USD và tổ chức nhượng quyền nào đạt 1000 kết nối facebook đầu tiên sẽ được góp toàn bộ số tiền thu được cho một tổ chức từ thiện ở địa phương. Các tổ chức nhượng quyền đã có thể quảng bá cuộc thi này đến các khách hàng, các học viên của họ và mọi người đều rất nóng lòng muốn giúp như thể đó là vì một lợi ích cho địa phương của mình. Kết quả của cuộc thi này là mọi tổ chức nhượng quyền tham gia đã nhận thấy có sự gia tăng số người ủng hộ trang facebook của họ.
8. Thành thật khen ngợi, cảm kích người khác.
Linkedin là một công cụ xây dựng mạng lưới mạnh mẽ hướng tới nhiều doanh nghiệp và các chuyên gia hơn so với Facebook. Các nghiên cứu cho thấy rằng khoảng 80% các doanh nghiệp kiểm tra Linkedin trước khi thuê một nhân viên và nhiều doanh nghiệp cũng kiểm tra các doanh nghiệp khác trước khi mua sản phẩm hay dịch vụ của họ. Một đặc điểm hay của Linkedin là khả năng đăng lời giới thiệu từ những người khác lên trang của bạn. Điều này cho phép người khác nói tốt cho bạn thay vì bạn phải tự nói tốt cho mình, một việc hơi giống khoe khoang. Một cách để tăng số lượng giới thiệu cho bạn là bạn phải đi giới thiệu cho người khác. Khi bạn làm điều này, người nhận được sự giới thiệu sẽ được Linkedin yêu cầu xác nhận đồng ý hay từ chối sự giới thiệu đó và quan trọng hơn, hỏi xem họ có muốn đáp lại bằng việc giới thiệu giúp bạn hay không. Làm theo lời khuyên của Carnegie, bạn có thể cảm ơn ngươi khác một cách chân thành vì việc họ đã làm cho bạn cũng như tích cóp sự giới thiệu từ họ cùng lúc đó. Hai bên cùng có lợi!
9. Chân thành quan tâm đến người khác.
Nếu bạn chỉ muốn làm theo một trong những nguyên tắc của Dale Carnegie khi sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội, thì hãy làm theo nguyên tắc này. Hãy quan tâm đến những người bạn kết nối trên web một cách chân thành, và những điều may mắn sẽ đến với bạn và doanh nghiệp của bạn.
Vậy ông Carnegie có thành công trên các phương tiện truyền thông xã hội không? Chắc chắn là có. Tôi đoán chắc là ông ấy sẽ có hàng ngàn bạn bè, người hâm mộ, học trò, nhưng tất cả họ đều cảm thấy thật sự rằng họ có một người bạn nơi ông Carnegie. Ông ấy có thể bảo họ chỉ nên gọi ông là Dale.:)
Chúc các bạn thành công!